Ai là kẻ lạm dụng tâm lý?
Xuyên suốt cuốn sách này, đôi lúc tôi sẽ sử dụng thuật ngữ "người độc hại" hoặc " những người độc hại". Tôi đang ám chỉ đến những cá nhân có các đặc điểm của chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ (còn được biết đến với tên gọi người yêu bản thân thái quá - the narcissist) và chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (còn được biết đến với tên gọi người chống đối xã hội hoặc người thái nhân cách - sociopath hoặc psychopath). Trong phần sau Cái gì, tôi sẽ giải thích chi tiết hơn về khải niệm người ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách. Chúng ta sẽ thảo luận quá trình hình thành và phát triển nhân cách của họ và tại sao họ lựa chọn việc bị rối loạn nhân cách. Đó là thông tin rất quan trọng mà bất kỳ người sống sót nào cũng cần biết và hiểu rõ. Bây giờ, tôi chỉ có thể nói họ là người không có sự đồng cảm và là người gây ra tổn thường to lớn cho người xung quanh. Bạn biết điều đó đúng, phải không?
Họ là những ai? Một người ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách, họ có thể là bố, mẹ, anh, chị, ông, bà, cô, chú, em họ, bạn trai, bạn gái, chồng, vợ, người con trưởng thành, bạn, thông gia, đồng nghiệp, sếp, mục sư, giáo viên hoặc bất kỳ ai trong mối quan hệ giữa con người với con người. Bạn có thể thấy, sự độc hại của họ có thể gây ảnh hưởng đến rất nhiều người. Đáng buồn thay, vòng tròn ảnh hưởng của họ (và sau đó phát triển thành vòng tròn phá hủy) rất rộng.
Phụ nữ cũng có thể là những kẻ lạm dụng?
Có một ý nghĩ rập khuôn rằng chỉ có đàn ông mới là những kngười ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách. Điều này hoàn toàn không đúng. Có nhiều người phụ nữ là nguyên nhân của những tổn thương rất lớn trong một mối quan hệ. Trên thực tế, số khách hàng là nam của tôi, những người sống sót sau lạm dụng tiềm ẩn, gần tương đương với số khách hàng nữ. Cách người lạm dụng là nữ thực hiện hành vi lạm dụng khác một chút ít so với người lạm dụng là nam. Nó thường được che đậy kỹ càng hơn (ví dụ: lén lút). Một trong những điều đầu tiên bạn tìm hiểu về lạm dụng tâm lý liên quan đến diện rộng của các hành vi lạm dụng. Tôi sẽ nói một số hành vi lạm dụng theo cách này, một số theo cách kia, và tất cả đều đúng. Đó là lý do việc phát hiện ra một kẻ lạm dụng tâm lý rất khó khăn. Hành vi lạm dụng có nhiều hình thái và đặc tính. Suy nghĩ sai lầm cốt lõi mang tính hệ thống của những kẻ lạm dụng là cho rằng mọi thứ xoay quanh họ. Điều này thể hiện rất đa dạng trong cuộc sống của họ, tùy theo từng đối tượng.
Như tôi đã đề cập ở trên, tôi là một điều tra viên của công trình nghiên cứu liên quan đến lạm dụng tâm lý. Trong hai tuần thực hiện khảo sát, chúng tôi có 623 cá nhân hoàn thành các câu hỏi trực tuyến. Trong vòng bốn ngày đầu tiên thực hiện khảo sát, đã có 500 người tham gia. Tôi vô cùng phấn khích, những cũng không quá bất ngờ. Những người bị lạm dụng bới người độc hại đang rất khao khát được lên tiếng. Một khi được lên tiếng, họ sẽ là những người hào phóng, họ chia sẻ những câu chuyện của mình với hy vọng giúp đỡ những người khác vượt qua được quá trình hồi phục.
Một câu trong khảo sát hỏi về kẻ lạm dụng có quan hệ như thế nào với người sống sót. 603 người trả lời câu hỏi này, 121 người (20%) trả lời rằng kẻ lạm dụng là những người có quan hệ thân thuộc (như bố mẹ, anh chị em, con, ông bà). Trong số 121 người này, có 87 người viết về những người lạm dụng là người thân trong gia đình. và 41 lần nhắc đến từ "Mẹ" (hoặc "mẹ chồng/mẹ vợ" hoặc "mẹ kế"). "Bố mẹ" được nhắc đến 27 lần, và "Bố" được nhắc đến 8 lần. Các con số trên cho thấy trong gia đình của những người tham gia khảo sát, chủ yếu là "Mẹ" (hoặc đóng vai trò như là người mẹ) là người lạm dụng. Hãy để tôi nhấn mạnh lại, phụ nữ có thể là những kẻ lạm dụng và những tổn thương mà họ gây ra đau đớn không kém gì những kẻ lạm dụng là nam giới.
Những kẻ lạm dụng là nam giới
Trong nghiên cứu của chúng tôi, 433 (72%) trong số 603 người tham gia trả lời rằng người lạm dụng có mối quan hệ yêu đương với họ (như vợ chồng, bạn tình, bạn trai hoặc bạn gái). 102 trên 433 câu trả lời ghi cụ thể mối quan hệ của họ với người lạm dụng: 31 người ghi là "Bạn trai"; 30 người ghi là "vợ chồng"; 27 người ghi là "Chồng". Số liệu này nói lên rằng, nhiều người tham gia khảo sát đang hoặc từng có mối quan hệ yêu đương với một gã đàn ông độc hại.
Những gã đàn ông độc hại phù hợp với suy nghĩ rập khuôn về lạm dụng trong văn hóa của chúng ta. Vấn đề bạo lực gia đình phần nào đã nâng cao nhận thức về những tổn hại do lạm dụng gây ra. Tuy nhiên, trong nhiều hệ thống pháp lý cấp nhà nước và địa phương, bạo hành gia đình không được cho là nguy cơ thực sự cho đến khi nó gây tổn hại đến cơ thể con người. Quan điểm này, về lý thuyết, đẩy người lớn và trẻ em vào hoàn cảnh bị khủng bố ngay trong căn nhà của mình, nhưng lại không được pháp luật bảo vệ. Nếu một số người phải rất khó khăn mới chứng minh được mình bị bạo hành về mặt thể xác thì một người sống sót phải mất bao lâu để giải thích rằng trò chơi đánh lừa tâm lý, bóp méo thực tế của những kẻ lạm dụng là nền tảng của lạm dụng tâm lý? Tôi có thể nói với bạn rằng - không quá lâu đâu. Những người sống sót đang cố bảo vệ bản thân và những đứa trẻ của mình lại thường bị coi là những kẻ cuồng loạn, điên rồ, và có tâm lý không ổn định. Đó là vì bản chất bí mật của lạm dụng tiềm ẩn rất khó để giải thích bằng ngôn từ. Nếu không sử dụng từ ngữ chuẩn xác, những người sống sót thường có dấu hiệu bị ám ảnh. Bản thân những người trong cộng đồng phục hồi biết đó không hẳn là vấn đề, nhưng xã hội vẫn phải tìm hiểu thêm rất nhiều về lạm dụng tâm lý tiềm ẩn. Đó là lý do tại sao Giai đoạn 2: Nhận diện lại cực kỳ quan trọng. Chương này sẽ cung cấp cho các bạn những thuật ngữ cần thiết để giải thích những tổn hại bạn từng trải qua, từng đối mặt hoặc đã thấy ở đâu đó trong cộng đồng của mình.
Cái gì là một kẻ lạm dụng tâm lý?
Người ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách ở xung quanh chúng ta. Là một nhà trị liệu tâm lý, tôi có thể chẩn đoán một người trưởng thành là người Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD) hay một người Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD). Chúng ta thường không biết được một người có bị rối loạn nhân cách hay không cho đến khi người đó đến tuổi trưởng thành. Nghĩa là trong thời kỳ niên thiếu, nhân cách của một người chỉ đang dần hình thành. Một số người bộc lộ những đặc trưng của chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội từ khá sớm, và những đứa trẻ hoặc thiếu niên này thường được phát hiện nhờ các dấu hiệu chẩn đoán khác, không liên quan đến nhân cách.
Phần lớn người có đủ các dấu hiệu chẩn đoán là người ái kỷ, người chống đối xã hội hoặc người thái nhân cách không bao giờ được chẩn đoán một cách chính thức vì rất ít trong số họ đi tư vấn tâm lý thường xuyên. Nếu hệ miễn cưỡng ngồi lên ghế của nhà trị liệu tâm lý, rất có thể do ai đó ép họ hoặc họ đến để thuyết phục nhà trị liệu tâm lý rằng họ không có vấn đề gì. Là một nhà tư vấn tâm lý, tôi không thể chẩn đoán cho ai đó nếu họ không phải là khách hàng của tôi. Khi người sống sót đến tìm tôi, chúng tôi nói về các dấu hiệu để phát hiện người bị chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ hoặc người bị chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội, nhưng tôi không thể chẩn đoán cho ai đó nếu họ không bao giờ đến phòng khám. Ngoài ra, các vấn đề đạo đức cũng là gợi ý, giúp phát hiện những người bị bệnh tâm lý. Tuy nhiên, người sống sót có năng lực biết được họ đang phải đối phó với vấn đề gì, và đặt tên cho những hành vi mà họ đã chứng kiến. Để phục hồi tâm trí của người sống sót, chúng tôi sẽ thảo luận về tất cả những đặc trưng của hai loại chứng bệnh tâm lý mà không đưa ra chẩn đoán chính thức cho bất kỳ ai không phải một người mắc chứng bệnh này (còn được biết đến với tên gọi người lạm dụng). Hiểu biết về chứng rối loạn nhân cách là việc không thể thiếu khi người sống sót bắt đầu nhận sự tư vấn tâm lý.
Mọi người thường hỏi sự khác biệt lâm sàng giữa một người ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách là gì. Tôi sẽ dùng những ví dụ giả định sau để nhấn mạnh sự khác nhau khá nhỏ giữa những người này.
Một người ái kỷ khi đâm phải bạn sẽ chửi mắng bạn vì đã đi vào đường của họ. Họ sẽ không ngừng phàn nàn về việc bạn đã phá hỏng chiếc ô tô của họ như thế nào.
Một người chống đối xã hội khi đâm phải bạn sẽ chửi mắng bạn vì đã đi vào đường của họ, và nở nụ cười tự mãn vì họ đang bí mật tận hưởng niềm vui nhờ mớ hỗn độn họ đã gây ra.
Một người thái nhân cách còn đi xa hơn thế, họ tính toán từng bước để chắc chắn rằng họ sẽ đâm phải bạn, rồi vừa cười vui vẻ vừa làm điều đó, và quay trở lại để chắc chắn tổn hại khủng khiếp nhất đã xảy ra.
Những ví dụ trên tuy rất đơn giản, nhưng sẽ giúp các bạn hình dung ra thế nào là chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ và chứng Rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Sự khác nhau giữa ba thuật ngữ người ái kỷ, người chống đối xã hội và người thái nhân cách tập trung xung quanh mức độ của sự độc hại, nó có trong những kẻ lựa chọn tiếp tục bị chứng rối loạn và không chịu giải quyết sự khuyết thiếu tình cảm của họ với người khác.
Những kẻ lạm dụng tâm lý thực hiện hành vi gây hại ở đâu?
Lạm dụng có thể xảy ra giữa cá nhân với cá nhân (như cha mẹ - con cái, mối quan hệ yêu đương, đồng nghiệp, bạn bè) hoặc xảy ra trong một nhóm người (như giữa các thành viên trong gia đình, tại nơi làm việc, trong một nhóm người hoặc trong các tổ chức tôn giáo).